Sưu tra, nghiên cứu và thực hành phổ hệ

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Nơi thờ vua Nguyễn thành trường quay phim Trần Thủ Độ!

Lời "kêu cứu" từ hậu duệ của vua Minh Mạng
Lăng Minh Mạng (còn gọi là Hiếu Lăng) rộng 18ha do vua Thiệu Trị - con trưởng vua Minh Mạng xây dựng từ năm 1840 đến 1843 và tu bổ năm 2000 bằng kinh phí nhà nước, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới ngày 11/12/1993.
Nơi thờ vua Nguyễn thành trường quay phim Trần Thủ Độ!
Vai diễn Hoàng hậu và thái giám thực hiện ngay tại nơi thờ tự của vua Minh Mạng đã được chuyển đi chỗ khác
Chiều 12/4, ông Tôn Thất Viễn Bào (72 tuổi), hậu duệ thứ 4 của vua Minh Mạng, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc tại Huế bức xúc kể: “Sáng 11/4, gần 250 con cháu hậu duệ vua nhà Nguyễn từ khắp trong và ngoài nước về lăng Minh Mạng dâng hương nhân dịp tiết thanh minh hàng năm. Khi đoàn đến chánh điện thờ vua, hoàng hậu và dòng tộc thì chẳng thấy Long vị, bàn thờ, sập thờ… ở đâu. Một đoàn làm phim đang biến nơi đây thành trường quay rất lộn xộn”.
Chiều 12/4, chúng tôi cùng một số hậu duệ đời thứ 4, 5, 6… của vua Minh Mạng đến tham quan lăng thì cảnh tượng đúng như lời kêu cứu của Hội đồng Nguyễn Phước tộc tại Huế.
Nơi thờ vua Nguyễn thành trường quay phim Trần Thủ Độ! 
Sùng Ân Điện (nơi thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu) thành trường quay phim.
Sùng Ân Điện (nơi thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị Hoa) mặc dù là nơi cấm quay phim, chụp hình nhưng đoàn làm phim với hơn chục máy quay, máy ảnh hoạt động hết công suất. Giờ nghỉ giải lao, diễn viên đoàn làm phim thì tha hồ chụp ảnh ngay chính điện thờ vua. Trong khi du khách đã bỏ một khoản tiền ra mua vé vào tham quan đưa máy ảnh ra chụp thì những người của đoàn làm phim nhắc nhở, không cho chụp.
Khoảng thời gian thực hiện một số cảnh quay tại lăng từ cuối tháng 3 đến nay, toàn bộ chánh điện thờ vua và hoàng tộc trở thành đại công trường để quay phim với ngổn ngang dây điện, cột đèn, bàn ghế, áo quần, tư trang… của đoàn làm phim. Hai bộ sập thờ được khênh đi chỗ khác để dựng lên một phòng ngủ của vua và hoàng hậu trong một cảnh phim.
Nơi thờ vua Nguyễn thành trường quay phim Trần Thủ Độ!
Long vị vua, án thờ, sập thờ… bị dời đến một góc tường, nhưng không thấy Long vị vua Minh Mạng ở đây.
Du khách trong và ngoài nước bỏ tiền ra để thưởng ngoạn di tích, chiêm ngưỡng vị vua cùng dòng tộc chứ không phải xem phim trường ngay trên điện thờ vua linh thiêng này. Trên khuôn mặt nhiều du khách nước ngoài tỏ ra tức giận rồi bỏ đi vì không được thấy di tích của vua và không được chụp ảnh.
Ông Nguyễn Phước Vĩnh Tùng (75 tuổi, hậu duệ đời thứ 5 vua Minh Mạng) tâm sự: “Từ năm 1950 đến nay, năm nào tui cũng từ TP.HCM về Huế, dâng hương tổ tiên ở đây nhưng chưa lần nào thấy bị xúc phạm nghiêm trọng như vậy. Toàn bộ án thờ của vua và dòng tộc bị dồn vào một góc tường của chánh điện nhưng chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy Long vị vua ở đâu, nếu bị thất lạc hay hư hỏng thì ai chịu trách nhiệm?”.
Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc là con cháu, hậu duệ của các vua triều Nguyễn, có nhiệm vụ thờ cúng vua cùng dòng tộc, tổ chức lễ kỵ, góp phần trùng tu, bảo vệ các lăng tẩm vua Nguyễn. Hàng năm cứ vào tiết thanh minh, Hội đồng phải xin phép Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đến dâng hương tại lăng. Khi đoàn làm phim tiến hành quay tại lăng Minh Mạng, đã không có ai bàn bạc, hỏi ý kiến của hội đồng này.
Đoàn làm phim chỉ biết được việc của mình?
Bộ phim truyền hình 30 tập Thái sư Trần Thủ Độ (tên cũ là Trần Thủ Độ và người tình) - Hãng phim truyện I được nhà nước đặt hàng với kinh phí 53 tỷ đồng, đạo diễn Đào Duy Phúc, khi thực hiện một số cảnh quay ở Huế đã dùng các di tích, lăng tẩm triều Nguyễn làm bối cảnh cho phim.
Nơi thờ vua Nguyễn thành trường quay phim Trần Thủ Độ!
Phòng ngủ dành cho vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu trong phim được dựng lên nơi thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị Hoa
Nửa tháng nay, toàn bộ Long vị vua, bàn thờ Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, cùng con, cháu vua đã bị dẹp bỏ khỏi điện thờ chính để làm bối cảnh của trường quay. Hỏi nhiều người trong đoàn làm phim là có di dời án thờ, sắp xếp lại chánh điện hay không thì ai cũng trả lời là có. Nhưng khi hỏi đạo diễn Đào Duy Phúc về việc làm như vậy đúng không thì được trả lời: “Tôi đang bận quay phim, xin các anh đợi”.
Cảnh quay trong phim Trần Thủ Độ thực hiện tại lăng Minh Mạng tái hiện lịch sử năm 1210 khi Trần Thủ Độ phò Thái tử Sảm lên ngôi vua (tức là Lý Huệ Tông). Cảnh này thuộc về đời Lý nhưng lại thực hiện trong di tích, lăng tẩm của một ông vua nhà Nguyễn thì không hợp lý xét về góc độ lịch sử (cách nhau gần 600 năm) cũng như kiến trúc của 2 triều đại hoàn toàn khác nhau.
Xét về mặt con người, Minh Mạng là một ông vua quyết đoán, năng động, có nhiều công lao trong cải cách nội trị đến ngoại giao, lập ra Nội các và Viện cơ mật ở Kinh thành Huế, bỏ việc lập các dinh để lập tỉnh (cả nước có 31 tỉnh).
Nơi thờ vua Nguyễn thành trường quay phim Trần Thủ Độ!
Các “cung nữ” thả sức chụp ảnh trong giờ giải lao ngay chỗ thờ vua Minh Mạng.
Quân đội dưới triều vua này rất hùng mạnh, được tổ chức chuyên nghiệp, dẹp trừ nhiều cuộc nội loạn. Vua tinh thông Nho học, sùng đạo Khổng Tử; quan tâm đến việc học, thi cử khi mở Quốc Tử Giám. Về đối ngoại, chủ trương mở rộng bờ cõi khi đặt tên nước là Đại Nam vào năm 1838. Trần Thủ Độ mặc dù có công phò vua Lý Huệ Tông nhưng sau đó phế truất vua này, dàn xếp chính trị đưa Trần Cảnh lên làm vua, lập ra nhà Trần.
Nếu như tất cả các đoàn làm phim lịch sử về Huế đóng phim mà dùng các lăng tẩm, di tích làm cảnh quay thì sự tôn nghiêm, linh thiêng còn ở chỗ nào nữa? Những ông vua, chúa hay các bậc tiền nhân và những người đang sống hôm nay có lẽ không muốn bị đối xử như vậy.
Cơ quan chức năng: Phim đã được Bộ duyệt quay rồi
Nhiều du khách phàn nàn về cách xử sự của đoàn làm phim cũng như cơ quan chức năng đã cấp giấy phép để đoàn thực hiện cảnh quay tại lăng Minh Mạng. Ông Nguyễn Phước Bảo Hùng (51 tuổi, ở TP.Huế) bức xúc: “Huế là đất thần kinh – đất vua, có truyền thống văn hoá, coi trọng tâm linh nhưng lại xảy ra sự việc như vậy đúng là động trời”…
Nơi thờ vua Nguyễn thành trường quay phim Trần Thủ Độ!
Phim thể hiện bối cảnh lịch sử đời Lý nhưng thực hiện tại lăng vua nhà Nguyễn.
Khi chúng tôi hỏi vấn đề toàn bộ Long vị, án thờ tại lăng Minh Mạng bị đoàn phim di dời để làm trường quay thì các cơ quan chức năng vẫn cho rằng đó là phim của Nhà nước đặt hàng, được cấp phép.
Ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô cho biết: “Phim này được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt thực hiện cảnh quay. Việc đoàn làm phim thực hiện tại lăng Minh Mạng và có di dời hiện vật như vậy nhưng họ sẽ trả lại nguyên trạng như ban đầu. Nếu quay ở lăng khác cũng làm như vậy thôi. Không lẽ cấm không cho họ làm?”. Ông Ngô Hoà, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng trả lời là đoàn phim sẽ trả lại nguyên trạng như ban đầu (?)
Nửa tháng hoạt động của đoàn làm phim có lẽ đã để lại rất nhiều bất bình, phản cảm trong con mắt nhiều du khách trước một di tích nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới và thu hút khách du lịch đứng thứ 2 sau lăng Tự Đức!
............................................................................................................................



Những gì vừa công nhận mới chỉ là một phần của Mộc bản

NDĐT- Việc UNESCO công nhận hệ thống di sản Mộc bản triều Nguyễn và là “Tư liệu di sản” trong Chương trình "Ký ức của Thế giới" (MOW) là một tin rất vui và là hành động kịp thời. Tuy nhiên, những gì vừa mới được công nhận mới chỉ là một phần của “Ký ức của thế giới”, và phần ký ức này lại nằm ngoài Huế - “cội nguồn” của Mộc bản.


Một sắc thái văn hóa độc đáo
Mộc bản là bản gỗ (gỗ thị, lê, táo hoặc nha đồng - những loại gỗ mịn, trắng), khắc thủ công chữ Hán hoặc chữ Nôm (khắc ngược) để in ra thành những trang sách. Dưới triều Nguyễn, có hàng chục ngàn Mộc bản, chứa đựng nội dung của hàng trăm cuốn sách với nhiều chủ đề khác nhau như: Lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ...
Tài liệu mộc bản có nhiều tác phẩm quý hiếm và lớn nhất dưới thời quân chủ như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.... Ngoài ra còn có các tác phẩm Ngự chế văn, Ngự chế thi do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức...sáng tác.
Việc ấn hành được quy định nghiêm ngặt (hoàng đế ban dụ cho phép biên soạn và giám sát, chỉnh lý...). Tuy nhiên, những bộ sách ngoài chính văn, chính sử như thơ văn của các ông hoàng thì chỉ cần xin giấy phép của vua là được khắc in.
Mộc bản là độc bản, là bản gốc để in thành sách. Bởi vậy đây là nguồn sử liệu tin cậy để khảo cứu, đối chiếu, đính chính các nguồn sử liệu liên quan. Ngoài giá trị về mặt sử liệu còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác.
Mộc bản là một sắc thái văn hóa độc đáo của Việt Nam dưới thời Nguyễn. Ngoài việc biểu dương và phổ biến các công trình văn hóa, học thuật của Việt Nam như đã dẫn, Mộc bản còn cho chúng ta biết những chuyện thú vị ngoài sách.
Ví dụ bộ sử “Đại Nam thực lục (tiền biên và chính biên), phần ghi chép về các thời Thành Thái, Duy Tân và Khải Định không được khắc Mộc bản để in (với lý do triều đình không có tiền) mà chỉ được chép tay lại thành 6 bản, và hiện chỉ còn một bản đầy đủ được lưu giữ tại Pháp.
Hoặc bộ “Đại Nam nhất thống chí” gồm hai bộ. Một bộ được khắc Mộc bản từ thời Tự Đức nhưng chưa kịp in thành sách thì bị ngưng lại do sự kiện kinh đô thất thủ. Đến thời Duy Tân, “Đại Nam nhất thống chí” lại được khắc Mộc bản để in, nhưng lại chỉ khắc chính thức các tỉnh thuộc Trung Kỳ, do lúc đó Nam Kỳ là thuộc địa và Bắc Kỳ thuộc xứ bảo hộ của Pháp.
Không chỉ có Mộc bản cung đình
Tháng 7 vừa qua, Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.555 tấm là những ghi chép chính văn và chính sử, cũng như các pho sách cổ do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ 1802 - 1945, theo công bố của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia đã được đưa vào danh mục “di sản tư liệu” thuộc chương trình “Ký ức của Thế giới” (MOW) của UNESCO.
Theo chúng tôi, những gì UNESCO vừa công nhận mới chỉ là một phần của “Ký ức của Thế giới”, và phần ký ức này lại nằm ngoài Huế - hiện phần lớn Mộc bản đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 ở Đà Lạt và một phần ở Trung tâm 1 của Hà Nội. Nó chưa phản ánh hết và đầy đủ diện mạo của loại hình văn hóa độc đáo này.
Ở Huế và ngoài Huế hiện còn có một khối lượng lớn Mộc bản là thơ văn của các ông hoàng như Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương và các nho sĩ (hầu hết là quan lại) nổi tiếng lúc bấy giờ, ví dụ bản khắc gỗ truyện Kiều của Nguyễn Du. Ở Huế hiện còn có một khối lượng Mộc bản đồ sộ là kinh sách, hiện được lưu giữ rải rác ở các chùa, mà nhiều nhất là chùa Từ Đàm.
Về mặt số lượng đã công bố, theo ông Nguyễn Phước Hải Trung – Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, con số 34.555 tấm Mộc bản (tương đương 152 đầu sách) được UNESCO công nhận là một con số thiếu toàn diện. Bởi nhìn lại lịch sử, bởi chỉ tính riêng số sách về lĩnh vực sử học của tập thể tác giả (Quốc sử quán, Hàn lâm viện, Nội các triều Nguyễn) và các tác giả ( Thiệu Trị, Tự Đức...) được biên soạn và in ấn thì cũng đến trên 1.200 quyển với trên 65.000 trang in, tương đương 65.000 Mộc bản. Đó là chưa tính tới các lĩnh vực văn học, địa lý, luật, lịch pháp, thiên văn...
Tương tự, riêng Tân thư viện (1909, thuộc Quốc Tử giám, sau này đổi tên thành Thư viện Bảo Đại), đến năm 1914, sử sách cũng đã ghi nhận ở đây đã lưu trữ 44.570 bản sách của trên 2.600 bộ sách khác nhau.
Và sức lan tỏa của Mộc bản.
Ít người biết, ngoài Mộc bản (âm bản) là những bản khắc gỗ, ở Huế còn có một loại hình Mộc bản dương (dương bản) để xem, đọc, là những tranh vẽ, thơ văn...được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” trên các di tích Huế, mà nhiều nhất là ở điện Thái Hòa.
Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, người đã làm luận văn thạc sĩ ngôn ngữ về thơ chữ Hán trên điện Thái Hòa thì dương bản xuất phát từ Mộc bản, chính là sự lan tỏa để tạo nên những cái mới và làm nên sự độc đáo riêng có của Mộc bản triều Nguyễn.
Ông dẫn chứng: Phần lớn những dương bản thơ văn được khắc trang trí trên điện Thái Hòa và các di tích khác của triều Nguyễn đều lấy từ thơ văn của các vua triều Nguyễn đã được khắc Mộc bản và in thành sách trước đó. Đặc biệt, Mộc bản dương trên điện Thái Hòa được thể hiện bằng chữ Hán rất phong phú với các kiểu chữ: Chân, Thảo, Triện, Lệ...
Ngoài thơ văn trên các di tích, còn có một kiểu “lan tỏa” khác của Mộc bản độc đáo hơn, là các bức tranh và họa tiết, mà các bản khắc tranh và họa tiết của Bộ Công in trong bộ sách “Ngự đề danh thắng đô hội thi tập” của vua Thiệu Trị là một ví dụ.
Năm 1843, vua Thiệu Trị trong lúc tuần du, thấy nhiều cảnh đẹp nên đã vịnh thơ xếp hạng gọi là “Thần kinh nhị thập cảnh” (12 cảnh đẹp của đất Thần kinh), gồm bài chủ “Vĩnh Thiệu Phương Văn” và những bài con kèm theo. Năm 1844, Bộ công vẽ tranh minh họa tập thơ và vua Thiệu Trị cho khắc Mộc bản. Sau khi thấy bản khắc Mộc bản quá đẹp, vua lại sai đại thần mang những mộc bản qua Trung Quốc để làm thành những bức tranh gương ký kiểu.
“Dương bản xuất phát từ mộc bản khắc trên những di tích Huế là một biểu tượng thẩm mỹ độc đáo của triều Nguyễn mà các triều đại trước của Việt Nam và các nước cùng chung hệ văn hóa như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản...không hề có”. - Ông Nguyễn Phước Hải Trung
Một tấm mộc bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4
Một bản in từ Mộc bản, hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4
Ảnh: Khắc Dũng

..............................................................



Cháu nội của vua

Ở một nơi heo hút, trong căn nhà tranh vách lá có một vị hoàng thân. Đó là ông Nguyễn Phước Bảo Tài, cháu nội vua Thành Thái


Tôi gặp Nguyễn Phước Bảo Tài khi ông đang ngồi ăn chung một dĩa cơm với vợ trong quán nhỏ đối diện chợ An Bình, quận Ninh Kiều – TP Cần Thơ. Có lẽ, trong số những hậu duệ của vị vua yêu nước Thành Thái, người cháu nội Bảo Tài là nghèo khó nhất. Hằng ngày, ông phải chạy xe ôm, còn vợ đi bán vé số để mưu sinh.


Ba đời khổ nhọc

Cách nay khoảng 6 năm, ông Bảo Tài cùng vợ là bà Nguyễn Bích Thủy rời ngôi nhà có đến 3 đời họ Nguyễn Phước cùng chung sống trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều, về quê vợ ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền – TP Cần Thơ mượn đất cất nhà ở tạm đến giờ.


Căn nhà tranh vách lá của vị hoàng thân này rộng chừng 20 m2, nằm khuất trong một xóm nghèo heo hút. Trong nhà không có gì đáng giá, ngoài một số kỷ vật của gia chủ. Trong đó, có cả cặp nạng gỗ mà Bảo Tài đã từng sử dụng khi ông bị tai nạn nghề nghiệp gãy chân hơn một năm trước.

Kệ thờ được chắp vá từ nhiều mảnh gỗ vụn đặt trang trọng hai bức ảnh vua Thành Thái lúc còn trên ngôi và khi bị đày ở đảo Réunion bên cạnh ảnh hoàng phi Chí Lạc, phía dưới là ảnh ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu – một trong 9 người con của vua Thành Thái và hoàng phi Chí Lạc.


Theo một số tài liệu về dòng họ Nguyễn Phước ở Cần Thơ, sau khi trả tự do cho gia đình cựu hoàng Thành Thái trở về nước, chính quyền bảo hộ đã dùng nhiều thủ đoạn để chia cách mỗi người một phương. Năm 1949, hoàng tử Vĩnh Giu bị đưa xuống Cần Thơ để tham gia đội cầu đường thuộc Ty Giao thông Công chánh. Năm 1951, ông kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa, người quê gốc Cần Thơ và sinh được 7 người con, trong đó có Bảo Tài.


Để có tiền nuôi con, ngoài giờ làm việc, hằng đêm ông Vĩnh Giu còn đi làm nhạc công cho các quán bar trong TP. Chính quyền bảo hộ vẫn luôn tìm cách gây khó khăn nên các con ông không ai được học hành đến nơi đến chốn. Năm 1975, ông Vĩnh Giu thôi làm đốc công ở Ty Giao thông Công chánh, đưa gia đình về sống nương nhờ nhà mẹ vợ trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng. Tại đây, ông Vĩnh Giu làm nghề sửa xe đạp để mưu sinh.


Vua Thành Thái, hoàng phi Chí Lạc và hoàng tử Vĩnh Giu được thờ phụng trong nhà ông Nguyễn Phước Bảo Tài


Hoàng thân Bảo Tài hồi tưởng: “Trong nhà khi ấy, có đến gần 20 người nhưng chỉ anh hai Bảo Bồi là có việc làm ổn định, những người con trai còn lại đều chạy xe ôm hoặc làm thuê. Không có tiền mua xe, nhiều người phải thuê để chạy. Năm 2007, cha tôi mất, 2 năm sau thì anh Bảo Bồi cũng theo ông”.

 Đến nay, những người trong gia đình Nguyễn Phước ở Cần Thơ đã dần vượt qua được khó khăn nhờ con cháu họ lớn lên có việc làm ổn định, riêng ông Bảo Tài hằng ngày vẫn phải kiếm sống bên chiếc xe ôm. Chiếc xe tuy cũ nhưng là phương tiện mưu sinh duy nhất của ông. Đó cũng là quà tặng của người đi cùng đoàn với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến về thăm ông Vĩnh Giu cách nay hơn 5 năm.


 Buồn vì bệnh tật của con

 Hoàng thân Bảo Tài sinh năm 1964, đến năm 2004 mới lấy vợ và sinh được bé gái Nguyễn Phước Thanh Tuyền. Thanh Tuyền nay 4 tuổi, có khuôn mặt thật đẹp nhưng bị bệnh tật từ khi mới lọt lòng. Bảo Tài nói đó là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời ông. Giờ ông cũng không hiểu chính xác được căn bệnh của con mình, chỉ nghe bác sĩ bảo là suy não.


 Thanh Tuyền dường như thiếu khả năng tự tư duy và đi lại, thỉnh thoảng bé lại bị co giật, té ngửa. Ông Bảo Tài cho biết lúc chào đời, bé chỉ cân nặng 0,9 kg. Bác sĩ khuyên phải chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đặc biệt mới hy vọng bé phát triển bình thường nhưng vợ chồng ông làm đầu tắt mặt tối mà chỉ đủ mua cho con được 4 hộp sữa giấy loại rẻ tiền. Có lần nghe người mách về một loại sữa bột bổ não gì đó, Bảo Tài cũng muốn cho con dùng thử nhưng khi đến tiệm, ông đành tiu nghỉu ra về vì không đủ tiền mua.


 Bà Nguyễn Bích Thủy ôm Thanh Tuyền vào lòng, nghẹn ngào: “Bận đi làm nên chúng tôi phải gửi cháu cả ngày cho người dì giữ hộ. Cháu vẫn nhận thức được nhưng chậm, đôi khi muốn nói vài từ đơn giản cũng phải suy nghĩ hồi lâu mới cất tiếng được. Do không thể chơi đùa nên cháu chỉ thích ngồi xem tivi. Nhưng hơn tháng trước, cháu phát bệnh mà trong nhà không có tiền, nhìn đi nhìn lại chỉ còn chiếc tivi, chồng tôi đành mang đi cầm lấy 200.000 đồng để mua thuốc. Người ta biết hoàn cảnh mới đồng ý cầm chứ chiếc tivi ấy có bán cũng chẳng được giá đó”.


Vợ chồng ông Nguyễn Phước Bảo Tài trên đường ra chợ chạy xe ôm và bán vé số


Một lần nhìn con bị bệnh tật hành hạ, ông Bảo Tài không chịu nổi nên đã tìm đến Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ xin được giúp đỡ. Sau đó, UBND xã Nhơn Nghĩa mời ông lên gặp và đề nghị gia đình chọn một trong 3 phương án: Đưa Thanh Tuyền đi tuyến trên điều trị, cho bác sĩ đến tận nhà chữa bệnh cho cháu hoặc trợ cấp tiền hằng tháng.


 Cân nhắc thật kỹ, cuối cùng ông Bảo Tài đành chọn phương án nhận tiền trợ cấp để mua thêm thuốc men và sữa cho con nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy đâu. Ông rầu rĩ: “Cách nay hơn một tháng, cán bộ xã đến nói vợ chồng tôi vẫn còn sức lao động, chưa đến mức khó khăn để phải giải quyết trợ cấp cho cháu. Tôi buồn lắm nhưng rồi cũng đành chịu thôi”.


 Sống xứng đáng với tiền nhân

 Tôi thật sự lấy làm lạ với thân thế Nguyễn Phước Bảo Tài, không chỉ do ông quá nghèo khó phải chạy xe ôm mưu sinh mà còn vì ít người biết đến người cháu nội của vua Thành Thái. Thậm chí, khi về tận nơi Bảo Tài đang sinh sống, tôi hỏi thăm nhiều người mà vẫn không ai biết đến tên ông. Mãi đến khi tôi hỏi về “chồng của bà Nguyễn Bích Thủy”, có người mới nhớ ra “ông già chạy xe ôm có khuôn mặt hơi đạo mạo” ấy.

 Bảo Tài kể có lần một tờ báo đăng tin ông là cháu nội vua Thành Thái, khi dừng xe bên lề đường đón khách, nhiều người qua lại nhìn ông lom lom dò xét rồi xầm xì: “Ông này mà có dính dáng tới vua chúa à? Cháu vua sao khổ dữ vậy?”… Ông Bảo Tài chưa bao giờ nhắc chuyện thân thế hoàng tộc hoặc than vãn với ai về cuộc sống nghèo khó của mình. Bởi, ông nghĩ chính cha mình vốn là hoàng tử mà cả đời có bao giờ được sống trong giàu sang nhung lụa đâu? Thậm chí, cả vua Thành Thái cũng chấp nhận rời bỏ tòa lâu đài trên đảo Réunion để ra ngoài sống đời lao động.

 Ông Bảo Tài tâm sự: “Tôi nghĩ điều quan trọng mình là ai chứ không phải xuất thân như thế nào. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi tự hào về các bậc tiền nhân của mình và tự nhủ với lòng phải sống sao cho xứng đáng với họ. Cha cũng như ông nội tôi và bác là vua Duy Tân đều là những người bất khuất trước kẻ thù xâm lược và không màng danh lợi”.

 Bảo Tài còn bộc bạch rằng có lẽ ông nghèo vì không bắt kịp thời cuộc nhưng lịch sử thì vẫn sẽ còn ghi mãi những cái tên Thành Thái, Duy Tân… Dứt câu chuyện, ông khoác vội chiếc áo gió cũ sờn rồi lên chiếc xe máy đã bạc phếch màu sơn hòa vào dòng người giữa phố thị.



Vị vua trên đảo Réunion

Thành Thái là vị vua thứ 10 của triều Nguyễn, tại vị từ năm 1889 đến năm 1907. Do chống Pháp nên ông bị phế truất và bị đưa đi đày trên đảo Réunion thuộc Pháp ở châu Phi từ năm 1916 đến năm 1947. Đi cùng vua Thành Thái khi đó còn có con trai là vua Duy Tân và các hoàng phi Giai Triệu, Chí Lạc.


Hoàng phi Chí Lạc, nhũ danh Hồ Thị Mừng, đã hạ sinh cho Thành Thái 9 người con. Những hoàng tử, công chúa ấy chưa từng có diễm phúc được sống trong nhung lụa.


Ở nơi đất khách quê người, bà Chí Lạc luôn hướng những người con của mình về nguồn cội, bằng cách dạy tiếng Việt và cả những nhạc cụ dân tộc cho họ.


Dù cuộc sống rất khó khăn, vua Thành Thái vẫn giáo dục con cái một cách nghiêm khắc. Ông phân công cho mỗi người con đảm nhận từng công việc trong gia đình.


Các công chúa Lương Mỹ, Lương Hảo phụ mẹ việc bếp núc; hoàng tử Vĩnh Quỳnh lo vườn tược, Vĩnh Khôi làm cận vệ cho cha, Vĩnh Giu đảm nhận việc trầu cau và lo bữa điểm tâm, còn Lương Thâm, Vĩnh Cầu, Lương Cầm phụ dọn dẹp nhà cửa…


Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trước áp lực của dư luận, đặc biệt là sự vận động không mệt mỏi của vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường (con gái và con rể vua Thành Thái), thực dân Pháp phải trả tự do cho cựu hoàng Thành Thái. Đầu tháng 5-1947, toàn bộ gia quyến của cựu hoàng  đã trở về VN.

Không có nhận xét nào:

TM/ HỘI ĐỒNG DÒNG TỘC NGUYỄN BẶC TOÀN QUỐC

Trong suốt chặng đường xây dựng Cổng Thông Tin Điện Tử. T/M Các Ban thuộc HĐDT NGUYỄN BẶC TQ. Xin cảm ơn các Quý vị là Nội Tộc Tông Thân trong và ngoài nước nói chung đã luôn mạnh dạn cống hiến rất nhiều những đóng góp vật chất, xây dựng ý kiến nhằm: Tôn Vinh Dòng Họ Nguyễn Đại Tông, Chắp Nối Gia Phổ, Trùng Tu Lăng Mộ và Từ Đường..., để cùng nhau tề tựu tại Nhà Thờ Đức Thái Thủy Tổ Định Quốc Công Nguyễn Bặc "Khởi Nguyên Đường" những ngày 14 - 15 tháng 10 Âm Lịch hàng năm để trị ân với Tổ Tiên.
Một lần nữa T/M Các Ban thuộc HĐDT NGUYỄN BẶC TQ xin gửi tất cả những lời chào và chúc tốt đẹp nhất đến các thành viên hiện nay đang sống và làm việc tại: Việt nam, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Úc, Canada, Latvia, Balan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Brazin, Trung Quốc, Hungari, Rumani, Ý, Na uy, Lào, Thụy Sỹ, Thái Lan, Singapore, cambodia,...vv, đã ghé thăm và có những ý kiến đóng góp rất thiết thực trên trang thông tin điện tử "Khoinguyenduong, thongtintocnguyen, honguyenvietnam, nguyenhuutocpha, khoinghiaduong, phahe" trong suốt thời gian qua. Mong các quý vị, các quý thàn viên trong Họ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đóng góp. Xin chân thành cảm ơn!

- Mọi ý kiến đóng góp nhằm xây dựng việc chắp nối Gia Phổ Dòng Tộc Định Quốc Công Nguyễn Bặc xin liên hệ trực tiếp các Thành Viên Thường Trực Hội Đồng Dòng Tộc Nguyễn Bặc TQ - Ban Nghiên Cứu và Thực Hành Gia Phổ:

1. NGUYỄN PHÚC HẬU - PCT HĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TBNC&THGP
ĐC: 303, Nhà H3A, KTT Bộ Công Nghiệp Nhẹ, đường Lê Gia Định, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội - Điện thoại: 0903 215 255

2. NGUYỄN CHƯƠNG THÂU - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: 7/180 phố Thái Hà, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội - 043 8534 334
3. NGUYỄN THÀNH CÔNG - PCT HĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP + TVBKT
ĐC: đội 5, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - 0943 056 922
4. NGUYỄN BẾ THÀNH - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: D12, phòng 402 KTT Quân Đội Nam Đồng, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội - 09032 262 457

5. NGUYỄN HUY HIỆP - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: thôn 9, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - 0934 404 218

6. NGUYỄN NGỌC TUYẾN - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: xóm 14, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định - chưa có

7. NGUYỄN HỮU MẠC, TỨC XUÂN THOẠI - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: đường 7, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa - 0166 579 8983

8. NGUYỄN HỮU NAM, TỨC BẢO NAM - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVTTBNC&THGP + BTT&ĐỐI NGOẠI
ĐC: 1A Đồng Khởi, phường 4, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh Tel: 0922 366 268
Xin tiếp nhận ý kiến đóng góp qua Email: khoinguyenduong@gmail.com

BÀI ĐƯỢC QUAN TÂM NHIỀU NHẤT