Nguyễn Bặc (924 – 15-10-979) là khai quốc công thần triều Đinh. Ông có công phò giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh tan các sứ quân, chấm dứt loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Theo các gia phả Họ Nguyễn và tài liệu "Lược sử Họ Nguyễn tại Việt Nam”, Định Quốc Công Nguyễn Bặc được suy tôn là Thái Thủy Tổ Họ Nguyễn ở Việt Nam. Vì thế, khôi phục và phát triển Ban Liên Lạc thuộc Hội Đồng Dòng Tộc Nguyễn Bặc Toàn Quốc là một nét đẹp văn hóa phong tục của dân tộc.
Các thành viên Hội đồng dòng tộc Nguyễn Bặc
chụp ảnh kỷ niệm trước Từ đường Định Quốc Công Nguyễn Bặc
chụp ảnh kỷ niệm trước Từ đường Định Quốc Công Nguyễn Bặc
Vừa qua, Hội đồng dòng tộc Nguyễn Bặc toàn quốc họp tại làng Vĩnh Ninh, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Trong khuôn viên khu di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Bặc - "Khởi nguyên đường”, nơi phát tích của đại tộc Nguyễn Bặc, nhìn đôi câu đối: "Vĩnh Ninh phúc địa sinh tướng quốc/ Đại hữu phương danh phức Nam thiên”, ai cũng thấy ấm áp, như được tiếp thêm tinh thần xả thân vì nước và tâm đức sâu nặng ngời sáng của tổ tiên truyền lại.
Sau lễ dâng hương, cuộc họp diễn ra dưới sự điều hành của ông Nguyễn Văn Sở (đại tá quân đội đã nghỉ hưu) - Chủ tịch Hội đồng dòng tộc Nguyễn Bặc toàn quốc. Cuộc họp đã tập trung bàn những công việc cụ thể: Thông qua quy chế hoạt động của Hội đồng dòng tộc, viết gia phả, lập quỹ khuyến học, mở cổng thông tin, tổ chức các cuộc giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các chi họ, tôn tạo khu di tích cho xứng với tầm vóc tổ phụ tướng quốc Nguyễn Bặc... Đây là những việc làm cấp bách, thiết thực, bởi ai cũng nhận rõ, nếu như văn hóa gia đình là nơi khởi nguồn và gìn giữ nội dung, bản sắc cơ bản của văn hóa dân tộc, thì văn hóa dòng họ từ xưa đến nay vẫn là một chỗ dựa vững chắc đối với mỗi cá thể trong cộng đồng có cùng mối quan hệ huyết thống. Văn hóa dòng họ là một yếu tố quan trọng tạo nên văn hóa làng - đặc thù của văn hóa nông thôn Việt Nam. Các đại biểu của các chi họ đều thống nhất rằng, trong thời kỳ đất nước phát triển theo nền kinh tế thị trường, vấn đề đáng quan tâm nhất của dòng họ không phải chỉ là phát triển kinh tế mà quan trọng hơn là giữ gìn, xây dựng tư cách, đạo đức và không ngừng nâng cao tri thức. Các thành viên trong các gia đình tiêu biểu của dòng họ cần ý thức rằng mình phải sống mẫu mực, bởi vì dòng họ, làng xã đều chú ý đến gia đình mình. Mỗi việc làm của họ hoặc mang lại niềm vinh hạnh cho cả dòng tộc, cả làng xã hoặc ngược lại. Chính vì thế truyền thống văn hóa của dòng họ phải luôn luôn được gìn giữ và mọi thành viên phải nhớ câu tục ngữ "giấy rách phải giữ lấy lề”.
Chủ tịch danh dự của Hội đồng dòng tộc Nguyễn Bặc toàn quốc - ông Nguyễn Huy Hiệu, thượng tướng, Viện sĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân không về dự cuộc họp nhưng đã gửi đến toàn thể dòng tộc lời thư tâm huyết: "Tổ tiên ta đã có công dẹp loạn, thống nhất đất nước, các thế hệ con cháu cần phát huy tinh thần đó của tổ tiên, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, động viên mọi người không ngừng rèn luyện, phấn đấu tu dưỡng đạo đức, nâng cao học vấn, đặc biệt thế hệ trẻ”...
Còn ông Hoàng Đạo Chúc (vốn gốc dòng Nguyễn Bặc) - Hội chủ Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, người hơn hai mươi năm nay không mệt mỏi vận động khôi phục danh dự cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và xây dựng ba ngôi đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, phát biểu cảm tưởng: "Dòng họ với người Việt Nam ta có vai trò vô cùng quan trọng. Hạnh phúc cho mỗi gia đình và dòng tộc chính là hướng con người đến với con đường trở lại tâm thức dòng họ, tổ tiên, cha mẹ. Con đường này sẽ tạo nên những rào cản cho những thói vô cảm, xa rời những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, của dân tộc. Xây dựng một dòng họ tốt đẹp, bền vững sẽ góp phần tạo ra các giá trị văn hóa mới, có khả năng trường tồn cùng với đời sống trong dòng chảy của lịch sử. Những người thiện lương, biết yêu gia đình, dòng họ và sẽ là những người yêu nước, yêu dân tộc và trung thành với Tổ quốc”.
Đầu xuân, cuộc họp của dòng tộc Nguyễn Bặc toàn quốc đã gợi cho chúng ta bao điều cần suy nghĩ. Xã hội ngày một phát triển, song vai trò của dòng họ vẫn rất quan trọng với mỗi cá thể trong cộng đồng. Nói như GS.TS Mạc Đường: "Nhận nhau cùng tổ tiên, cùng dòng họ là điều quí hóa nhất trong cuộc đời của một con người. Nhưng quý hóa hơn cả là sự mở rộng vòng tay thân thiết với các dòng họ Việt Nam, không phân biệt nội ngoại để hình thành bền vững một cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thống nhất ... Dòng tộc có mạnh xã hội mới bền vững, nước nhà mới hưng thịnh. Hãy nhanh tay xây dựng các dòng tộc, tích cực đóng góp chấn hưng đạo đức xã hội”.
Vân Hạc & Nhà giao Hoàng Đạo Chúc