GÓP PHẦN LÀM SÁNG TỎ HÌNH ẢNH ĐINH ĐIỀN – NGUYỄN BẶC (QUA MỘT SỐ TƯ LIỆU HÁN NÔM VÀ DÂN GIAN)
ĐINH CÔNG VĨ
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
“Luật thứ nhất của Sử học là không dám nói láo.
Luật thứ hai là không sợ nói hết sự thật”
Léon XIII
Quan hệ giữa Đinh Tiên Hoàng với “tứ trụ triều Đinh” gồm “Điền - Bặc – Cơ – Tú” (Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú) là sự gắn bó đẹp đẽ, bền chặt như kim cương, không gì phả vỡ nổi, song sử sách nói tới Đinh Điền, Nguyễn Bặc nhiều hơn Lưu Cơ, Trịnh Tú. Sử sách và dư luận dân gian nói nhiều hơn tới một bộ ba “Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc”
Ân tình sâu nặng của ba người có gốc rễ bền chặt từ cái tuổi thơ tóc còn xanh mướt dưới bóng cờ lau tập trận, chứ không phải đợi khi quốc gia hữu sự; cần dẹp giặc khăn vàng mới “đào viên kết nghĩa” như Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi.
Cùng là khai quốc, dựng vương triều nhưng mối tình của Đinh Tiên Hoàng với Đinh Điền, Nguyễn Bặc khác hẳn mối tình nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa thời Bắc Tống (Một triều đại mà niên đại không xa gì với triều Đinh): Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn với Cao Hoài Đức, Trịnh Ân gắn bó với nhau để góp phần mở ra một vương triều đầy văn vật đời Tống, nhưng có thủy mà không có chung. Còn Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc sẵn sàng xả thân vì nhau, phú quý chung hưởng, hoạn nạn cùng chia, thủy chung sau trước, rực rỡ như “ngọc đương lang trọn vẹn (nói như Lễ bộ Thượng thư Sử quán Đô tổng tài Đặng Minh Khiêm) đã làm xúc động lòng người đương thời và muôn thuở. Với Đinh Tiên Hoàng vị hoàng đế dựng nền thống nhất, sáng chế triều nghi, đưa nước ta lần đầu tiên “đứng riêng ra là một nước”(1) sẽ có những công trình nghiên cứu xứng đáng hơn. Ở đây, trong mối quan hệ máu thịt không thể tách của ba người, chúng tôi đi sâu hơn vào bản thân Đinh Điền, Nguyễn Bặc, dựa vào tài liệu Hán Nôm và dân gian thu được nhằm sáng tỏ ba mặt sau:
1. Hình ảnh Đinh Điền, Nguyễn Bặc từ cội nguồn tới trước khi nhà Đinh bị cướp ngôi.
Trường ca chữ Nôm Thiên nam ngữ lục cho rằng:
“Bốn người có nghĩa đồng niên
Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ”.
Tức là Nguyễn Bặc sinh cùng năm với Đinh Điền. Theo Gia phả họ Nguyễn quyển Thượng của Ban liên lạc họ Nguyễn tại Hà Nội: Nguyễn Bặc sinh cùng một năm với vua Đinh, khớp với quốc sử là năm 924. Vậy Đinh Điền cũng sinh năm 924.
Về quê hương, cha mẹ: Có truyền thuyết ở Ninh Bình cho rằng Đinh Điền do ông Đinh Công Trứ (cha Đinh Tiên Hoàng) nhặt được ở bờ ruộng lúc còn đỏ hỏn nên đặt tên là Điền, nhận làm con nuôi, tức là cùng quê với Đinh Tiên Hoàng. Song theo truyền thuyết ở chùa Thiên Hữu (Vạc) huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, và theo thần phả vị thành hoàng xã Đông Xá (nay là xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) thì bố Đinh Điền là Đinh Thân, người thôn Bái Đoài (Tứ) xã Động Xá, huyện Thanh Liêm, Phủ Lý Nhân, xứ Sơn Nam Thượng, nay là huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, mẹ là Dương Thị Liễu quê ở xã An Bạc huyện An Ninh phủ Trường Yên.
Với Nguyễn Bặc: chỉ có quyển phả của Quỳnh Sơn hầu Nguyễn Lữ ghi quê ông ở thông Ông Hòa, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Song nhiều cuốn phả khắc ghi quê ông ở làng Đại Hữu, xã Đại Hoàng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, như cuốn “Nguyễn Đình Bặc” (Nguyễn Tộc thứ chi gia phả) của Nguyễn Văn Luận cho Nguyễn Bặc là người làng Đại Hoàng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Những chi tiết này ăn khớp với hàng loạt câu đối ở “Khởi nguyên đường” dòng họ Nguyễn tại thôn Vĩnh Ninh làng Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, nơi phát tích của dòng họ Nguyễn Đại tông, gắn bó với Đinh Tiên Hoàng như: “Hoa Lư kết nghĩa anh hùng chúa - Đại Hữu ân khâm tướng quốc công” (với chúa anh hùng động Hoa Lư kết nghĩa – Đây bậc tướng quốc làng Đại Hữu ơn sâu) Hay: “Cồ Việt thiên thai, chủ hữu anh hùng thần tráng liệt - Đại Hoàng địa tú, gia vi khởi tổ quốc nguyên huân”. (Cồ Việt trời mở ra: vua anh hùng, tôi tráng liệt - Đại Hoàng đất tốt: nhà là khởi tổ, nước là nguyên huân). Có thuyết nói sau khi Nguyễn Bặc bị hại, bà vợ và hai con là Nguyễn Đê, Nguyễn Đạt lánh nạn ở Gia Miêu Ngoại trang (huyện Tống Sơn, Thanh Hóa). Cũng có thể khi Nguyễn Bặc rời Hoa Lư vào Thanh Hóa chuẩn bị lực lượng chống Lê Hoàn, ông đã đưa vợ và hai con vào Gia Miêu để phòng sự bất trắc. Vậy Gia Miêu thành nơi bảo tồn dòng họ, là quê hương thứ hai sau Đại Hữu nên từ đường Nguyễn Đại tông ở Đại Hữu có những câu đối ăn khớp: “Duệ xuất Gia Miêu vương tích hiển – Khánh lưu Đại Hữu tướng môn quang(Cửa tướng phúc dầy thôn Đại Hữu – Dòng vương nối ở đất Gia Miêu). Vương triều Nguyễn xuất phát từ quê Gia Miêu là dòng Nguyễn Bặc. Về cha mẹ Nguyễn Bặc: các tài liệu không thống nhất. Theo Ngọc phả thôn Phú Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định thì cha Nguyễn Bặc là Nguyễn Huy, mẹ là Lê Thị Lược, cao tuổi mới sinh con. Song theo Sự tích Định quốc công Nguyễn Bặc của các giáo sư Nguyễn Đình Điền và Nguyễn Đình Chi thì Nguyễn Bặc là con cụ Nguyễn Thước một Nha tướng của Dương Đình Nghệ.
Về công thống nhất giang sơn, xây dựng đất nước. Ngay từ thuở còn trứng nước, khi Lê Hoàn còn lang thang kiếm sống thì Đinh Điền, Nguyễn Bặc và các vị trong “tứ trụ” đã có mặt ngay từ buổi tụ nghĩa hưng binh ban đầu, đồng cam cộng khổ, quên mình, sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn. Sự tích Đinh Điền làng Động Xá ca ngợi quan hệ của ông với vua lúc này:
“Quân thần hội ngộ lương duyên
Tâm tâm giao khế vững bền tất giao”
Nguyễn Phúc tộc thế phả kể chuyện ai dâng thức ăn gì, Nguyễn Bặc đều nếm trước để tránh cho Đinh Bộ Lĩnh khỏi bị đầu độc. Có lần Đinh Bộ Lĩnh bị sa vào hiểm địa, bị trúng tên ngã ngựa, Nguyễn Bặc một mình một gươm cõng vua leo lên núi dựng đứng để thoát vây. Để dẹp yên các sứ quân cát cứ khác, Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã tham gia những trận đánh quyết liệt nhất, thay mặt vua đi một binh, liên hệ với nhiều địa phương. Thần tích, thần phả ở đình Động Phí, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cho biết Đinh Điền, Nguyễn Bặc có về đây thu nạp lực lượng của một vị gọi là Bạch Tượng đại vương gồm 500 quân… Công mở nước, thống nhất giang sơn, xây nề chính thống của Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã được nhắc tới trong nhiều tài liệu Hán Nôm. Sự tích Đinh Điền làng Động Xá… có câu ca ngợi ông:
“Dẹp yên tám cõi bốn phương
Thiên Nam chính thống minh lương hợp hòa”
Câu đối ở đình Ba Dân, huyện Thanh Trì viết về Nguyễn Bặc:
Chính thống phù Đinh khai đế Việt,
Uy danh bình sứ lẫm Nam thiên.
(Chính thống phù nhà Đinh mở ra Hoàng Đế Việt;
Tiếng vang dẹp sứ quân còn lẫm liệt trời Nam ).
Dẹp xong sứ quân, bước vào thời kiến thiết hòa bình, Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã có những cống hiến. Bản Thần phả thờ Ngoại giáp Đinh Điền có bổ sung vài nét: sau khi lên ngôi, Tiên Hoàng chia Nội giáp trong kinh thành giao cho Định Quốc Công Nguyễn Bặc phụ trách dưới quyền chỉ huy trực tiếp của vua gọi là “Nội thông vạn cơ” (bên trong thông giữu muôn việc cơ mật) cùng với việc phong Đinh Điền là Ngoại giáp cai quản mọi việc bên ngoài. Công việc đó còn phát huy tốt đẹp nếu nhà Đinh tồn tại.
2. Nhà Đinh bị cướp ngôi: Hình ảnh hy sinh oanh liệt của Đinh Điền - Nguyễn Bặc trong cuộc dấy nghĩa.
Lý do nào dẫn đến hành động quyết liệt để hy sinh của hai ông?
Mọi việc kiến thiết hòa bình đang tiến hành tốt đẹp thì đến rằm tháng 8 năm Kỷ Mão (979), sau một bữa tiệc lòng lơn, cha con Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn bị đầu độc và bị giết chết ở cung đình. Sự kiện bi thảm oan khốc này kéo dài ngàn năm lịch sử mà đến nay vẫn chưa được phán xét công bằng. Chính sử từng nói tới việc Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn chỉ bằng chuyện hão huyền “Đêm nằm trên cầu, thấy sao sa vào mồm, cho là điềm tốt mới manh tâm giết vua. Như vậy còn quá đơn giản. Đỗ Thích làm chức nhỏ, thế lực mỏng manh, nếu giết vua chỉ đem lại cái chết, còn kẻ khác tọa hưởng. “tứ trụ triều đình” đầy tài ba, đầy sự trung thành còn ngồi đấy làm sao một kẻ tầm thường như Đỗ Thích có thể giết được vua nếu không có một lược lượng mạnh hơn “tứ trụ” rất nhiều? Gia phả họ Đỗ ở Đại Đê, huyện Vụ Bản và sự tích đền Thảo Mã (tức đền Gạo ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm) có nói tới việc Đỗ Thích có công cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương đuổi. Người cứu vua, lại thành kẻ giết vua thì quả là khó hiểu? Về sự cố Đỗ Thích, các ý kiến này của chúng tôi có gặp ý kiến của ông Mai Khắc Ứng trong tác phẩm “Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng”. Nxb Văn hóa Thông Tin, Hà Nội 1996, tr.33, 34 là: “Những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này: chỉ bởi một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích trở thành tên sát nhân. Đằng sau Đỗ Thích còn ai không? Tại sao khi Lê Hoàn thế chân thì quân Tống lại can thiệp. Ở tr.57, 58 sách trên, ông Ứng còn nói: “Lê Hoàn giành được thế nhiếp chính đã cùng thuộc hạ mưu sự chiếm ngôi. Nếu không có công chống Tống vào năm Tân Tỵ (981) thì Lê Hoàn đã phạm tội bất trung và lịch sử vẫn giữ nguyên nghi án, đằng sau Đỗ Thích là ai? Gần đây chúng tôi đã được đọc văn bản Nôm Hoa Lư tự sự (Vân Sàng truyện) do “Lê Văn Đoan sao bản” mà theo cụ Nguyễn Văn Đào và một số cụ già ở Ninh Bình cho biết đã phổ biến từ lâu ở Ninh Bình, văn bản này giáo sư Chương Thâu đọc trong hội nghị Khoa học về Định quốc công Nguyễn Bặc ở Ninh Bình, tôi xin nêu lại, chưa kết luận vội để bạn đọc tham khảo suy xét:
Dương Thị Vân phản bội chồng
Từ lâu vốn đã tư thông Lê Hoàn
Đặt mưu hiểm lập chước gian
Đầu độc giết chết Tiên Hoàng cha con
Đỗ Thích tri nội hậu quan
Đi tuần về thấy tâm can hãi hùng
Nhẩy ngay lên mái điện rồng
Bụng đói miệng khát long đong ba ngày
Trời mua hứng nước dơ tay
Triều đình hô hoán lôi ngay xuống đình
Đổ cho tội thí Đinh Đinh
Để Lê gia xuất thánh minh trị vị.
Sau khi những nhân vật kiệt xuất nhất của nhà Đinh như Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn bị hại thì thực quyền nhà Đinh có còn gì nữa đâu, ngoài việc một chiếc áo danh nghĩa. Mọi thứ đã được xếp đặt từ trước. Trước thế lực nắm quân quyền mạnh mẽ của quan Thập đạo, hỏi không trao áo có được không? Về khách quan là vậy, còn về chủ quan thì việc Dương Thị trao áo cho một người đã tư thông từ trước, trao áo, hy sinh chồng con để bản thân được tình mà vẫn giữ được cảnh sống phú quý kiêu sa.
“Nguy nga gói bạc cột đồng
Cung đài trang sức buông lòng sa hoang”
Như Đại Nam quốc sử diễn ca đã tả thì cái tự nguyện của bà ta không lạ. Tác phẩm Nôm Đại Nam quốc sử diễn ca còn có đoạn:
Nối sau Thiếu Đế thơ ngay
Lê Hoàn nhiếp chính từ rày dọc ngang
Tiếm xưng là phó quốc vương
Ra vào cùng ả họ Dương chung tình
Bặc, Điền vì nước liều mình
Trách sao Cự Lạng tán thành mưu gian.
Việc làm đó của Dương Thị đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người bấy giờ ngay đến dòng họ bà ta. Theo tác phẩm “Truyền thuyết Hoa Lư” của sở Văn hóa Thông tin Ninh Bình 1997, tr.102 có cho biết: “Hầu hết nộc tộc họ Dương rời kinh đô Hoa Lư về Vân Lung và quyết định đổi họ Dương thành họ Giang để không công nhận Dương Vân Nga còn thuộc họ tộc nữa. Trước tình cảnh ấy hỏi rằng những bậc quang minh chính đại, đầy lòng trung thành với dân với nước, có ân sâu nghĩa nặng với cha con vua Đinh từ trước như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp làm sao không chống lại Lê Hoàn. Việc đánh Lê Hoàn của các ông là việc dấy nghĩa cần thiết.
Đôi câu đối ở đền thờ Ngoại giáp Đinh Điền bên tháp mộ Đinh Tư đồ thôn Yên Liêu Hạ, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình đã thể hiện điều đó, tỏ rõ việc làm chính đáng cảu ông ở hoàn cảnh ấy.
“Đầu khởi tự đam thiền, nộ mục Lê đình trung quán nhật.
Chinh Hoàn phi vị kỷ, thống tai Đinh xã tiết lăng sương”.
(Cắt tóc há mê thiền, mắt giận Lê gia nhòa ánh nhật;
Đánh Hoàn không phải vị kỷ, lòng đau Đinh nghiệp ngút trời sương).
Theo ông Đinh Ngọc Lục, người am hiểu Hán tự ở khu vực chùa Thiên Hựu (Vạc) huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình thì sau khi vua Đinh chết, Đinh Điền về đây ẩn dật, tu hành, chuẩn bị lực lượng chống Lê Hoàn. Song lại có bản “Thần phả” cho rằng Đinh Điền cùng vợ bỏ triều đình ra ở chùa Trúc Lâm, Hải Dương xin quy y thụ giới. Khi nghe tin Hoàn xưng Phó Vương, ông nổi giận dặn dò vợ ở lại chùa còn mình vào Ái Châu cùng Nguyễn Bặc dấy quân.
Về Nguyễn Bặc, năm 1937, Tùng Phong tiên sinh dùng đôi câu đối trên, thay năm chữ vế đầu “Đầu tự khởi đam thiền” (Cắt tóc há mê thiền) ra “Quải thụ khởi vô tình” (treo ấn há vô tình) để khắc lên thờ ở đền Định quốc công nghĩa là “Treo ấn há vô tình, mắt giận Lê gia nhòa ánh nhật – Đánh Hoàn không phải vị kỷ, lòng đau Đinh nghiệp ngút trời sương”. Câu đối khớp với bản Phụng sao về thủy tổ họ Đinh, các tư liệu gia phả họ Đinh và “thần phả ký” ở Hàm Giang (gần thị xã Hải Dương) cho ta rõ: Thấy khó đối đầu với Lê Hoàn ở Hoa Lư, Nguyễn Bặc và chiến hữu từ bỏ quan chức, rời kinh đô rút về Ái Châu (Thanh Hóa). Cuộc giao tranh khốc liệt với Lê Hoàn xảy ra ở Thanh Hóa. Nguyễn Bặc và Phạm Hạp bị bắt mang về kinh đô xử tử. Đinh Điền trọng thương phải tung tin là tử trận mới thoát về căn cứ Đằng Man (thuộc huyện Kim Động, Hưng Yên ngày nay). Sau đó Đinh Điền cùng vợ là Phan Thị Môi Nương tự tử ngày 17 tháng 11. Các tài liệu này có chỗ không đồng nhất với chính sủ: Theo Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1 Nxb KHXH Hà Nội, 1972. Cao Huy Giu dịch, tr.159): “Hoàn mới chỉnh đốn binh sĩ, đánh nhau với Điền - Bặc ở Tây Đô (Thanh Hóa). Điền - Bặc thua chạy, lại đem thủy quân ra đánh. Hoàn nhân gió, phóng lửa đốt chiến thuyền, chém Điền tại trận, bắt được Bặc, đóng cũi đưa về kinh sử kể tội… và chém đầu để rao. Điền, Bặc đã chết, khí quân của Phạm Hạp nhụt đi, tan vỡ chạy về hướng Cát Lợi Bắc Giang. Hoàn đem quân đuổi đánh bắt sống được Phạm Hạp đem về kinh sư”…
Đánh giá về các sự biến thê thảm ấy, sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: “việc khởi binh ấy không phải là làm loạn mà là một lòng phò tá họ Đinh, đánh Hoàn không được mà chết đấy là đúng chỗ”… Đó là “bề tôi trung nghĩa, làm không xong việc mà chết ấy là bề tôi tử tiết” (ĐVSKTT, Sđd). Thống nhât với chính sử, giới Nho sĩ và nhân dân cũng nhiệt liệt ca ngợi. Nhiều đền đài miếu mạo ở Ninh Bình coi Đinh Điền, Nguyễn Bặc như một tấm gương trung liệt treo cao: “Trung quán nhật nguyệt” (Lòng trung xuyên suốt mặt trời). Như đôi câu đối ở thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư:
Nhất phiến trung can huyện nhật nguyệt,
Thiên thu chính khí tác sơn hà.
(Một tám gan trung xuyên suốt vừng nhật nguyệt;
Nghìn thu chính khí rung động non sông)
Chứng tỏ, từ quốc sử quán của một vương triều hiển hách Hậu Lê tới giới Nho sĩ và nhân dân đều khẳng định việc chống kẻ cường thần, hy sinh của Đinh Điền, Nguyễn Bặc là trung nghĩa, tiết liệt chính đáng. Nổi bật nhất trong trung nghĩa của hai ông là “trung quân”.
Câu đối ở đình Ba Dân có ca ngợi Nguyễn Bặc là “ái quốc trung quân”. Hẳn Đinh Điền, người không thể tách khỏi Nguyễn Bặc cũng vậy. Tác giả đặt chữ “ái quốc” lên trên chữ “trung quân”: “Duy nhất tâm ái quốc trung quân, chính thống phù Đinh khai Đế Việt”. (Duy một lòng yêu nước trung vua, chính thống phù nhà Đinh mở ra ngôi Hoàng Đế cho nước Việt). Ở thời Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Nho học chưa truyền sâu vào Việt Nam như sau này(2) nên khó mà có thuật ngữ “Ái quốc trung quân” kiểu như thời sau. Song ta hiểu hành động của hai ông thực chât là “ái quốc trung quân”, dù hai ông không nhắc lời “trung quân”, không viết câu “ái quốc” như hậu thế. Mông muội hơn, ở trước thời Lê Hoàn, Dương Thái hậu rất nhiều, chúng ta đã tìm thấy những tấm dương rực rỡ như Bà Trưng, Bà Triệu, Trwng Hống, Trương Hát và nhiều người khác…, đó chẳng phải là những con người nhân nghĩa, tiết liệt trung quân ái quốc hay sao? Gần thời với Lê Hoàn, Dương Thái hậu(3) có bà Dương Thị Như Ngọc (vợ Ngô Vương Quyền), đó không phải là gương sáng về nhân nghĩa, thủy chung, tiết liệt hay sao, dù bà Như Ngọc chưa chắc đã có ý thức dùng các thuật ngữ đó. Vậy nhân nghĩa, thủy chung, danh tiết, ái quốc, trung quân, đó không phải là cái độc đáo của riêng nền văn minh Hoa Hạ, không phải đợi những thứ đó cùng với Nho học truyền sâu vào Việt Nam chúng ta mới có. Không thể lấy chuyện Nho học vào sớm hay muộn để biện hộ cho những hành đọng phản chúa lộn chồng, bất nghĩa, thất tiết của một hai nhân vật thời Đinh - Tiền Lê hòng đổi trắng thay đen biến tội thành công và chụp tội lên đầu người khác. Vậy nên, đặt vào bối cảnh thời đại, chúng ta càng thấy nổi lên gương sáng của Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và các anh hùng dấy nghĩa, chúng ta càng thấy hành động của các ông phù hợp với truyền thống nhân nghĩa, trung quân ái quốc khí tiét cao cả Việt Nam đang ngày càng vươn lên hoàn thiện.
Về phẩm chất đạo đức thì vậy, còn về đối ngoại. Sau khi đất nước thu gom 12 xứ về một mối, mọi quan hệ giữa nước ta với các nước xung quanh và với Trung Hoa đều tốt đẹp. Nam Việt Vương Đinh Liễn cực kỳ có uy tín với nhà Tống, đã giành nhiều thắng lợi trong ngoại giao. Nếu không có âm mưu gián tiếp hoặc trực tiếp ám hại cha con ông để thoán đoạt ngôi báu, thì chắc chắn không có chuyện Trung Hoa động binh. Còn các quan hệ đối ngoại khác: Một thời gian khá dài trên sâu khấu, điện ảnh có những dàn dựng hư cấu vu khống cho Đinh Điền, Nguyễn Bặc là tiếp tay hay tư thông với ngoại bang.
Vậy Đinh Điền, Nguyễn Bặc có thật làm những chuyện đó hay không? Sự thật từ lúc cha con Đinh Tiên Hoàng bị giết (từ rằm tháng 8 năm Kỷ Mão 979) và Nguyễn Bặc bị Lê Hoàn hành hình vào ngày 15 tháng 10 cũng năm ấy (theo gia phả dòng họ Nguyễn Bặc vào ngày giỗ Nguyễn Bặc ở vùng Hoa Lư). Đinh Điền có thể bị giết trong tháng 10 cùng Nguyễn Bặc hoặc nếu muộn hơn là sau 1 tháng vào ngày 17 tháng 11 ông cùng vợ tự tử (theo các tài liệu thần phả, gia phả… ở Hàm Giang) thì mãi cho đến tháng 6 năm Canh Thìn (980) sau đó, Tri Ung Châu là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo mới biết mà báo về, tới tận tháng 3 năm Tân Tỵ (1/981) bọn Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng mới kéo binh vào nước ta. Vậy không có chuyện Đinh Điền, Nguyễn Bắc Khởi binh chống Lê Hoàn trong lúc quân Tống vào.
Nguyên nhân động binh của nhà Tống có thể lần theo Tống sử: Năm Canh Thìn (980) sứ Tổng là Lư Tập sang sứ nước ta thì được biết hai cha con vua Đinh đã chết do bị đầu độc. Các công thần danh tướng Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp đã bị Lê Hoàn sát hại… Lê Hoàn nhiếp chính và bức Đinh Toàn ra nhà khác, cấm cố cả nhà họ Đinh đẻ lên làm thống lĩnh(4). Ý kiến của Hầu Nhân Bảo cũng là dựa vào Lư Tập, khi Lư Tập vội viết tấu biểu về kinh: “Nước đã gần mất, có thể nhân lúc này đem quân địa phương đánh lấy được. Nếu bỏ lúc này sẽ mất cơ hội(5).
Rõ ràng, nguyên nhân giặc Tống xâm lược là do chúng nắm được thời cơ Lê Hoàn rắp tâm cướp ngôi nhà Đinh và sát hại các đại thần nhà Đinh, nước ta có loạn từ 8, 9 tháng trước đó.
Do vậy, Đinh Điền, Nguyễn Bặc không hề có tội gì gọi là “tiếp tay hay tư thông” với nhà Tống trong cuộc xâm lược nước ta của chúng. Không những thế, hai ông còn là những người có công nữa. Bởi quân đội do Lê Hoàn thống lĩnh để đánh Tống bình Chiêm thắng lợi là quân đội đã được rèn luyện tổ chức dưới thời Đinh với công lao đóng góp to lớn của Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Nhà sử học Lê Tung trong ĐVSKTT, Sđd tr.46 cho thấy “Đinh Tiên Hoàng thống nhất bờ cõi, dùng bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc làm người phò tá, sáng chế triều nghi, định lập quân đội”.
Về xu thế lịch sử: Việc Đinh Điền, Nguyễn Bặc và chiến hữu của ông chống lại Lê Hoàn, bảo vệ vương trièu Đinh là phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử Việt Nam . Bởi ngược với nhà Tiền Lê ở giai đoạn Lê Ngọa Triều vô đạo, nên phải có một triều đại vua sáng tôi hiền Lý Công Uẩn thay thế… Nhà Đinh ở giai đoạn Đinh Tiên Hoàng làm Hoàng đế, Đinh Liễn làm chủ về đối ngoại là giai đoạn đất nước đang trên đà phồn thịnh. Sự thật này, có thể tìm thấy trong lời khen của các sử thần nổi tiếng Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, trong những dẫn chứng về những thắng lợi trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của nhà Đinh sau khi thu gom non sông về một mối, kiến thiết hòa bình được chép ở ĐVSKTT và hàng loạt sử sách khác. Bảo vệ một vương triều đang lên như vậy để chống lại một nhân vật như Lê Hoàn mà quốc sử đã nhận định ông ta là “vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước, về luân thường đạo vợ chồng có nhiều việc đáng thẹn”. (Sđd, tr.166).
Bảo vệ một vương triều đang lên ấy để chống lại Lê Hoàn, một người “Chứa điều bất nhân nhiều lắm) đúng như nhận định của sử thần đầy uy tín Lê Tung (ĐVSKTT, kỷ Tiền Lê, tr.169-180). Đó phải là một việc làm chính đáng hoàn toàn của Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp. Việc chống lại Lê Hoàn đó còn là để bảo vệ nền thống nhất dân tộc mà chính Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và quân dân ta hồi đó đã đem xương máu ra mà giành được. Đất nước ta sau loạn 12 sứ quân đã yên bình mười mấy năm trời dưới thời Đinh, cần ổn định để phát triền, không nên lật đổ để sa vào một thời chia cắt máu lửa như trước mà Lê Hoàn sau này lại tái diễn. Trong ĐVSKTT tr.169-180 chỉ kể sơ sơ thôi ta đã thấy vùng lên 8 cuộc nổi dậy chính của người trong nước chống đối và phân ly, bị đàn áp đẫm máu dưới thời Lê Hoàn cầm quyền, gây tổn thất cho nhân dân và vương triều ngay đến Đinh Toàn là một ông vua bị phế, còn rất trẻ vẫn bị đẩy vào cuộc nồi da xáo thịt, phải chết một cách thảm thương. Ngay đến Ái Châu Thanh Hóa, một vùng đất từng nuôi sống, sinh thành ra Lê Hoàn mà cũng không yên được với những cuộc nội chiến tàn sát của ông. Năm Kỷ Hợi (999) Lê Hoàn thân đánh 49 động Hà Đông (thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Năm Tân Sửu (1001) Lê Hoàn thân đánh đất Cư Long (thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa). Những vùng đó cách làng Trung Lập (nơi chôn nhau, cắt rốn, có nhiều kỷ niệm và có đền thờ Lê Hoàn) theo đường chim bay chỉ khoảng 20-25 km hẳn thấy rõ cảnh núi xương sông máu. Quê hương sâu nặng nghĩa tình đã hưởng ân huệ của ông như thế đó. Ở ĐVKSTT, Sđd, tr.47, sử thần Lê Tung đã phê phán Lê Hoàn: “Gây nhiều việc can qua, coi nhân dân không khác cỏ rác: “… Lê Hoàn vừa nhắm mắt, các con ông đánh nhau suốt 8 tháng giành ngôi. Vậy đất nước không thể quay về một thời như thế nên việc các anh hùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp chống lại Lê Hoàn là cần thiết.
Do thế Đinh Điền, Nguyễn Bặc thật xứng đáng được Đặng Xuân Khanh tôn sùng trong Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện khẳng định là một trong những “vĩ nhân của thời tiền cổ Việt Nam ”. Hai ông thật xứng đáng là một báu vật trung nghĩa của trời Nam ” nói như Phạm Kế Biên trong Nam Thiên trung nghĩa bảo lục.
3- Với những công đức uy tín ấy, Đinh Điền, Nguyễn Bặc xứng đáng được nhân dân kính trọng tôn thờ, tạo nên hình ảnh tâm linh bất diệt trong lòng dân. Thật hiếm có vị thần nào được thờ ở nhiều nơi, có nhiều đền miếu như Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Văn bản Sự tích Đinh Điền làng Động Xá xã Liêm Cần có những câu viết về ông:
Anh linh phổ chấn cửu lai.
Ninh Bình tám xã, xứ Đoài mấy hương.
Xã Tuấn Kiệt, tỉnh Hải Dương.
Cùng làng Đông Xá quý hương đất nhà.
Lập đền phụng sự nguy nga…
Ông Dương Văn Vượng cán bộ Nhà Bảo tồn Bảo tàng Nam Định, từng làm công tác thống kê di tích lịch sử tỉnh Hà Nam Ninh cũ cho biết: Tỉnh Hà Nam Ninh cũ có tới 134 nơi thờ và phối thờ Nguyễn Bặc. Nơi thờ và phối thờ Đinh Điền càng nhiều. Đền vua Đinh ở Trường Yên, Gia Phương, Ba Dân (Kim Bảng) đền vua Đinh ở Ý Yên… nơi nào cũng thờ Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Các lễ hội như cờ lau tập trận, hội đền vua Đinh… đều diễn hình ảnh vua Đinh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, xem như những người hùng tiêu biểu cho tinh thần thượng võ dân tộc. Nhiều nơi thờ các vị thần khác mà vẫn lưu lại sự tích, có khi thờ cả Đinh Điền, Nguyễn Bặc gắn bó với nhau, được dân địa phương sùng kính (như các đền miếu ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình, chùa Long Hoa ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đền chùa ở bến Vạc Ninh Bình, đình Động Phi ở huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây…). Chứng tỏ, hai vị sống thân thiết, chết lại không xa rời nhau, trở thành hình ảnh tâm linh hòa hợp giữa lòng ngưỡng mộ của nhân dân. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Bá Thế: từ Đời Lý trở đi Đinh Điền, Nguyễn Bặc cùng Trịnh Tú, Lưu Cơ đều được truy phong phúc thần. Chính Lê Hoàn lên ngôi vẫn cảm phục Đinh Điền, sắc phong ông làm: “Tế thế Hộ quốc Hiển ứng Linh quang Đại vương”, vợ ông là Phan Môi Nương cũng được sắc phong là: “Huệ Hoa Gia Tĩnh Trinh Thục phu nhân”. Lê Lợi sắc phong cho Đinh Điền là “Thượng đẳng Vạn cổ Phúc thần Trung thánh Đại tư đồ Bình chương sự Khai quốc Công đức Văn Đại vương”.
Một vế đối ở miếu Đông Thương xã Khánh An huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã viết về Nguyễn Bặc: “Lịch triều gia tặng huyến long chương” (Các triều đại gia tặng rực rỡ trên tờ sắc phong). Các triều đại quá xưa lên tận thời Lê Hoàn đã biết ban sắc phong không? Cần xem xét. Song điều đó cũng nói lên rằng Đinh Điền, Nguyễn Bặc là hai vị tôn thần được nhân dân nhiều vùng nước ta sùng kính đặc biệt, có khi thần thánh hóa. Rõ ràng là các triều đại từ Hậu Lê trở đi đã long trọng ban sắc phong cho hai ông ở bậc “Thượng đẳng”, đề cao tới bậc “tối linh”.
Có một bài thơ “Giáng bút” gọi là của Nguyễn Bặc truyền cho hậu duệ, nhưng hẳn là do nhân dân Ninh Bình quá yêu kính nên tưởng tượng ra, trong đó có những câu không thể nào quên được như:
Thiên thu định vị thiên nhiên huyệt.
Ức tải trường lưu vạn thế hài.
(Muôn kiếp vẫn còn đầy khí cốt,
Ngàn thu không dứt mối ân tình).
Thần phả và truyền thuyết ở Hải Dương có kể rằng:
Trước khi tuẫn tiết, Đinh Điền có để lại một bài thơ tứ tuyệt. Bài thơ đó có thật của Đinh Điền không? Phải chăng do hậu thế kính mến mà sáng tác ra? Có những câu đáng nhớ như:
Nhất đường tụ hội hoán tinh thần
Vạn cổ phương danh tại xã dân
(Một nhà sum họp thắm tinh thần
Muôn thuở tiếng thơm ở xã dân).
Hình ảnh của Đinh Điền, Nguyễn Bặc vẫn còn đó “Muôn thuở” còn tiếng thơm, “Ngàn thu không dứt mối ân tình” với chúng ta và hậu thế.
Chú thích:
1. Nói như Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí.
2. Tôi nói Nho học “chưa truyền sâu” chứ không phải là “chưa truyền” vì trước đó khá lâu, ở thời Bắc thuộc nước ta, ngang với thời Tam quốc đã có Sĩ Nhiếp vào Giao Chỉ được tôn làm “Nam giao học tổ”.
3. Sử sách chính thống xưa chỉ nói tới Dương Thái hậu hay Dương Thị chứ không phổ biến cái tên Dương Vân Nga như thời hiện đại, thời kỳ mà văn nghệ sĩ mặc sử hư cấu, sùng bái quá đáng về bà.
4. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập 1 in lần 1 năm 1973, tr.181.
5. ĐVSKTT, q.1, Kỷ nhà Đinh, tr.160-161.
Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.719-737
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét