Sưu tra, nghiên cứu và thực hành phổ hệ

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

TÌM HIỂU TÊN CHÚA NGUYỄN ĐỜI THỨ NĂM

Trong khi sưu tập và giới thiệu thơ văn các chúa Nguyễn, chúng tôi có dịp tìm hiểu thêm về tiểu sử các vị chúa này. Điều làm chúng tôi phải suy nghĩ là sự bất nhất của các sử sách trong việc ghi chép tên chúa Nguyễn đời thứ năm mà đương thời gọi là chúa Nghĩa. Sử sách trước đây hầu hết viết bằng chữ Hán. Bộ Việt sử đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim đã ghi tên vị chúa này là "Hoằng Quốc Công Nguyễn Phúc Trăn 阮 福 溱 (1687 - 1691) truy tôn là Anh Tông Hiếu nghĩa Hoàng đế, đương thời gọi là chúa Nghĩa..."(1). Trong khi đó, các bản Hệ phổ của họ Nguyễn Phước bằng quốc văn do con cháu trong các Hệ cất giữ mà chúng tôi đã tham khảo được thì lại ghi khác. Hoằng Quốc Công là Nguyễn Phúc Thái, còn Trăn là tên của Cương Quận Công, em cùng cha cùng mẹ với chúa Nghĩa(2).
Vậy Hoằng Quốc Công được truy tôn là Anh tông Hiếu nghĩa Hoàng đế tên thật là "Trăn" hay là "Thái" ?
Thông thường thì tài liệu của các Hệ phổ c ó một độ tin cậy cao, vì Hệ phổ do các vị tư giáo sung làm tộc trưởng các Hệ, là người có trách nhiệm ghi chép, khai báo và sao lục từ Tôn phổ cho từng Hệ. Có điều, mấy bản Hệ phổ trên đây mới chỉ là bản dịch ra chữ Quốc ngữ chứ chưa phải là bản chữ Hán. Trong khi đó, bộ Sử lược của họ Trần lại được học giới tín nhiệm học hỏi và tham khảo. Cứ xem những bộ Việt sử sau đó như Việt sử khảo lược của Tôn Thất Dương Kỵ, Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang, Việt sử toàn thư của Phạm Văn Sơn, cho đến phần chú thích trong các bản dịch Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục tiền biên , cũng đều chép tên chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Trăn giống như sách của họ Trần(3). Cũng nên biết thêm, trước đó, vào năm 1914, trong Bulletin de l'Ecole Francaise d'Extrême Orient và trong Bulletin des Amis du Vieux Huế cũng đã ghi gần gần như thế(4). Do đó trong bài này, chúng tôi muốn xác minh cho đúng tên húy của vị chúa Nguyễn thứ năm.
1. Tên "Trăn" và "Thái" bằng chữ Hán viết như thế nào ?
Cả hai chữ Thái 溙 và Trăn 溱 đều có trong Khang Hy Tự Điển, đều thuộc bộ Thủy氵. Ngoài hình bên trái là bộ Thủy氵, hình bên phải của hai chữ hơi giống nhau nhưng âm lại khác hẳn, một chữ là Thái 泰 phần bên dưới là chữ Thủy 水 , còn một chữ là Tần 秦 thì phần bên dưới là chữ Hòa 禾 . Hình chữ hơi giống nhau này có thể làm cho người kém thận trọng dễ nhìn nhầm mà phiên âm "Trăn" thành "Thái" hoặc "Thái" thành "Trăn" chăng ? Có điều nếu nhầm là nhầm hai tên của một người. Nhưng ở bản Hệ phổ của họ Nguyễn Phước lại chép hai tên là của hai người riêng biệt. Vậy ở đây ai tên là "Trăn" và ai tên là "Thái" ?
Theo sự tìm hiểu của ông Nguyễn Phúc Lôi là hậu duệ đời thứ chín của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần, thì Thần chủ thờ các chúa Nguyễn trước đây có ghi rõ tên tuổi, đã bị thất lạc trong chính biến năm Giáp Ngọ (1774). Từ thời Gia Long về sau các chúa được truy tôn, tên tuổi được ghi chép vào các Long vị để thờ trong Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu và Thế miếu. Tất cả miếu hiệu ở các Long vị đều được chép thành sách Miếu húy chư tôn tự để thờ trong điện Phụng Tiên.
Ngọc phổ nói chung là phổ hệ của dòng họ Nguyễn Phúc gồm có Ngọc điệp ghi chép dòng dõi tên tuổi các vua chúa triều Nguyễn và Tôn phổ ghi chép tên tất cả bà con trong hoàng tộc nhà Nguyễn. Trước đây, việc biên tu Ngọc điệp và Tôn phổ cứ hai năm một lần, vào các năm Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý do một Ban biên tập gồm có Toản tu, Đằng lục, đúng đầu là một văn quan hàm Chánh Nhị phẩm làm Tổng tài. Ngọc điệp được chép thành hai bản, bản chính cất vào hòm vàng ở điện Càn Thành, bản phụ để vào hòm vàng ở Quốc sử quán. được chép làm ba bản. bản chính dâng vào Đại nội, hai bản phụ thì một để ở Quốc sử quán, một giao cho phủ Tôn nhơn lưu trữ ở Phủ đường để sao thành nhiều bản cho các Hệ cất giữ và theo dõi. Còn các bộ sử như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam Hội điển sự lệ..., thì đã được ấn hành tương đối rộng rãi. Gần đây các sử sách đó lại được dịch ra chữ Quốc ngữ để lưu hành.
2. Cách ghi tên các vua chúa triều Nguyễn trong các tài liệu sử sách nói trên:
Cách ghi chép tên các vua chúa triều Nguyễn trong các tài liệu sử sách trên đây không phải hoàn toàn giống nhau. Tuỳ nơi, tuỳ lúc, tuỳ hoàn cảnh mà cách ghi chép có khác nhau.
Để hiểu thêm vấn đề này, thiết tưởng cũng nên biết qua tục kỵ húy của cha ông mình thời trước. "Nhập gia vấn húy" là thái độ trân trọng trong lối "sử thế tiếp vật" của người xưa. Gặp nhau thường ít gọi thẳng tên, mà chỉ gọi nhau bằng thứ tự trong gia đình, như bác Cả, chú Tư, anh Sáu..., bằng vai vế trong làng xóm, như cụ Hương, bác Lý..., bằng chức tước, khoa hoạn trong xã hội, như cụ Thượng, quan Đốc, cụ Tú, anh Phán.... Con cháu kiêng gọi tên tổ tiên, dân chúng kiêng gọi tên vua chúa là để tỏ lòng kính trọng những người trên trước, mất cũng như còn. Nhưng trong chế độ quân chủ chuyên chế, việc kiêng cữ trở thành điều cấm kỵ, cấm gọi cũng như viết tên vua chúa như lối viết chữ thông thường. Sách Đại Nam hội điển sự lệ có ghi rõ những phép tắc kỵ húy, đại để có những chữ cấm đọc chính âm mà phải đọc trại ra, như "hoàng" phải đọc là "huỳnh", "thái" phải đọc là "thới"..., có những chữ khi viết phải thay bằng chữ khác, như chữ "nhậm" 任 phải thay bằng chữ "dụng" 用, chữ "chủng" 種 phải thay bằng chữ "thực" 植 ..., có những chữ khi viết cần thêm nét 巛 , như chữ "hoa" 華 , chữ "thực" 植 ..., có những chữ cần bớt nét, như chữ "miên" 綿 được viết là *, chữ "tông" 宗 được viết là *..., có những chữ khi viết phải chia ra từng phần, bên trái chữ gì, bên phải chữ gì v.v..., để người đọc tự ghép lại mà nhận ra, như bên trái chữ "hoà" 禾 bên phải chữ "trọng" 重 tức là chữ "chủng" 種 ...(5). Những ai lỡ phạm những nguyên tắc kỵ húy nói trên, tuỳ trường hợp nặng nhẹ phải chịu những hình phạt thích đáng.
Cách chép tên húy này cũng là cách chép trong tập Miếu húy chư tôn tự để thờ ở điện Phụng Tiên, chép lại từ các Long vị ở Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, và Thế miếu. Trường hợp ở Long vị của Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế thờ ở án thứ hai bên hữu trong Thái miếu ghi: "Đế húy tả tòng Thủ氵hữu tòng Thái 泰 " (tên húy của vua: bên trái chữ "Thủy" bên phải chữ "Thái", tức chữ "Thái" 溙).
Tài liệu độc nhất không theo lối tả mặt chữ "bên trái chữ gì, bên phải chữ gì" mà được viết thẳng chữ tên húy các vua chúa triều Nguyễn là Ngọc điệp. Hai bản Ngọc điệp trước đây để trong hòm vàng của điện Càn Thành và tại Quốc sử quán, theo ông Nguyễn Phúc Lôi, hiện nay đều đã bị thất lạc. Tuy nhiên bằng vào sách Tiên nguyên toát yếu phổ của Liên Đình Tôn Thất Hân viết bằng chữ Hán đã căn cứ ở "Ngọc điệp tôn đồ, Thực lục, Liệt truyện, cùng biên bản các nhà để lại...", do Ưng Bình và Ưng Tôn dịch ra Quốc văn(6), thì cũng thấy được đầy đủ tên húy của các chúa Nguyễn, cụ thể như trường hợp Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế "Tên là Phước Thái, lại tên Ngạn, con thứ hai của vua Hiếu Triết, mẹ là Hoàng hậu họ Tống...".
Tóm lại, căn cứ vào: Long vị, sách Miếu húy chư tôn tự, các Dụ trong Đại nam thực lục, sách Tiên nguyên toát yếu phổ, húng ta có thể kết luận:
Chúa Nghĩa (1687-1691) tức Hoằng Quốc Công truy tôn là Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế có tên húy là Thái 溙, Nguyễn Phúc Thái 阮 福 溙(1649-1691).
Còn "Trăn" là tên của ai đây ?
Sách Hoàng triều tôn phổ tiền biên quyển 4 viết về con cháu Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế, đã ghi về bốn hoàng tử đầu như sau:
- Hoàng tử thứ hai tức Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế (xem rõ ở Ngọc điệp),
- Hoàng tử trưởng húy là Diễn 演 , con bà Hoàng Hậu họ Châu, - Hoàng tử thứ ba húy là Trăn 溱 , con bà Hoàng Hậu họ Tống,
- Hoàng tử thứ tư húy là Hiệp 協 , nguyên húy là Thuần 淳 vì trùng Tôn húy phải đổi, con bà Hoàng Hậu họ Châu,
Các sách Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên và Tiên nguyên toát yếu phổ cũng đều ghi tương tự như thế. Do đó chúng ta có thể nói được rằng:
Nguyễn Phúc Trăn 阮 福 溱 tước Cương Quận Công là em cùng cha cùng mẹ với chúa Nghĩa.
3. Sự sai khác giữa các tài liệu chữ Hán và các sử sách Quốc văn gần đây:
Từ các tài liệu trích dẫn trên, tưởng cũng nên xem lại chỗ sai khác về điểm nói trên của hai học giả tiền bối Richard Orband và Trần Trọng Kim cùng một số trường hợp rải rác khác.
a/ Richard Orband trong "Les Tombeaux des Nguyễn", tuy ghi đủ bốn hoàng tử đầu con của chúa Hiền là:
1. Diễn 演 appelé aussi Hán 漢
2. Nguyễn Phúc Trăn 阮 福 溱
3. Trăng 溱 appelé aussi Huyền 玄
4. Thuần 淳 nhưng lại có hai điểm khác với những sử liệu của triều Nguyễn nói trên: một là ở số 2 - chữ "Thái " 溙 ghi ra chữ "Trăn" 溱 ; hai là ở số 3 - chữ 溱 ghi là "Trăng" thiết tưởng có phần gượng ép, bởi vì chữ 溱 không phải là một chữ Nôm. Trong các Tự điển có ghi chữ Nôm thì chữ "Trăng" nếu có nghĩa là "mặt trăng, ánh trăng v.v." thì ghi là 斏 hay 筗 hoặc 疩; còn chữ "Trăng" nếu có nghĩa là "trối trăng, đóng trăng, trói trăng" thì ghi là 綾. Hơn nữa nếu đã có chữ 溱 là tên Chúa ở số 2-, thì theo đúng lệ kỵ húy, chữ 溱 ở số 3- phải đổi thành chữ khác, như trường hợp chữ Thuần 淳 ở số 4- phải đổi thành chữ Hiệp 協 như đã ghi trong Tôn phổ.
b/ Còn cụ Trần trong bản "Nguyễn Thị thế phổ" sách Việt Nam sử lược lại ghi chúa Hiền chỉ có ba hoàng tử đầu là: Diễn 演 , Anh Tông Hiếu Nghĩa - Hoằng Quận Công Nguyễn Phúc Trăn 阮 福 溱 và Hiệp 協 . Chưa rõ cụ Trần đã dựa vào những sử liệu nào khác những sử liệu triều Nguyễn nói trên để có quyết định này. Riêng về Anh Tông Hiếu Nghĩa, nếu căn cứ vào hai cuốn Việt sử xưa hơn viết bằng tiếng Pháp mà cụ Trần có ghi trong phần "Những sách soạn giả dùng để kê cứu"(7), chúng ta vẫn thấy chúa Nghĩa tức Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế đều có tên húy là Nguyễn Phước Thới (Phước Thới là ghi âm kỵ húy của Phúc Thái).
Ngoài ra, cái nhầm "Thái" 溙 ra "Trăn" 溱 ở một số nơi trong các bản dịch Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện..., của Viện Sử học, có lẽ hoặc do thiếu cẩn trọng hoặc do sự quá chủ quan của một số dịch giả khi chú thích(8).
Trong khi đó ý hẳn để giúp độc gia đỡ tốn thời giờ về phần sưu tra cần thiết, nên Đại học Khánh ứng ở Nhật Bản, đã cho điền thêm tên các vua chúa nhà Nguyễn vào chỗ trống sau mỗi chữ húy trong các bộ Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện trước khi đem in lại.(9)
Thật ra, tên Chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Thái và tên người em cùng cha mẹ với Chúa là Cương quận công Nguyễn Phúc Trăn, không phải là chuyện xa lạ chi đối với bà con trong hoàng tộc hằng lưu tâm đến dòng họ. Có điều một sự thật nếu không được trình bày và phổ biến sâu rộng, thì điều nhầm lẫn lúc đầu có thể vô tình được lặp đi lặp lại, lắm lúc dễ trở nên chân lý. Việc tìm hiểu tên húy của chúa Nghĩa ở đây ngoài tình cảm "uống nước nhớ nguồn"của một người Việt tha hương, còn nhằm ở một mức độ nào đó góp phần "trả sự thực quá khứ cho lịch sử ". 

ĐOÀN KHOÁCH

CHÚ THÍCH
(1) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, I và II, Imprimerie Trung bắc Tân Văn, H. 1920.
(2) - Hệ Phổ: Tài liệu chép tay của ông Tôn Thất Chi ở Hoa Kỳ và tài liệu của ông Tôn Thất Đông ở Việt Nam - Hiền vương Nguyễn Phúc Tần, tài liệu in của ông Tôn Thất Lôi ở Huế.
(3) - Tôn Thất Dương Kỵ, Việt sử khảo lược, Quyển I, Tiên Hoa, Thuận Hóa, 1960.
- Phạm Văn Sơn, Việt sử toàn thư, Thư Lâm ấn thư quán, Sài Gòn, 1960.
- Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
- Quốc sử quán, Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học Việt Nam biên dịch và chú giải, Tập XVI, Nxb. Sử học, H., tr.1557.
- Quốc sử quán, Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, Nxb. Sử học, H., tr.132.
(4)- Richard Orband, "Les tombeaux des Nguyễn", B.E.F.E.O., 1914.
- "Généalogie des Nguyễn avant Gia Long", B.A.V.H., 1914.
(5) Xem Đại Nam Hội điển sự lệ và Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên, bản dịch của Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1993 (phần tránh chữ húy).
(6) Trích bài "Tự phổ Tiên nguyên toát yếu" trong Tiên nguyên toát yếu phổ (Tiền biên) của Thái tử Thiếu phó, Cần chánh điện Đại học sĩ, Phó Quang quận công, Liên đình Tôn Thái Hân soạn Hán văn và xuất bản năm 1917, được Lễ bộ Thượng thư trí sự là Ưng Bình và Ưng Tôn dịch ra Quốc văn và xuất bản năm 1935. Tác giả và dịch giả đều là những người đức vọng cao nhất trong Hoàng tộc, lại cũng là những học giả, văn thi gia nổi tiếng thời cận đại, có trách nhiệm viết lại lịch sử của chính tổ tiên mình. Các ông đã căn cứ vào những sử liệu căn bản nhất để viết, nên thiết tưởng sách phải có độ tin cậy cao.
(7) - Cours d'Histoire Annamite à l'usage des Ecoles de la Basse Cochinchine par P.J.B. Trương Vĩnh Ký, lère édition, Saigon, Imprimerie du Gouvement, 1877, 2è volume, p.155.
- Alfred Schreiner, Abrégé de l'Histoire d'Annam, Deuxième édition. Revue et Augmente de la période comprise entre 1858 et 1889. Saigon, chez l'Auteur; 37, rue de Bangkok, 1906, p.80.
(8) Ví dụ trong bản dịch Đại Nam thực lục tiền biên, trang 129 đã có đoạn: "Mùa thu, tháng 8, hoàng tử thứ ba là Chưởng Cơ Trăn (lại tên là Huyền) mất, tặng Thuần Tín Công thần hữu quân đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thiếu bảo Cương quận công...", như vậy là đã biết hoàng tử thứ ba là Cương quận công Nguyễn Phúc Trăn rồi, thế mà đến trang 132 gặp tên húy người con thứ hai của Thái Tông là Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế, người dịch cũng lại chú là (Phúc Trăn) nữa !
(9) Xem ví dụ trường hợp tên húy của Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế ở nguyên bản in của Quốc sử quán triều Nguyễn (Quyển 6, tờ 1a), đối chiếu với bản in lại của Đại học Khánh Ưng ở Nhật Bản, tr.87./.

Không có nhận xét nào:

TM/ HỘI ĐỒNG DÒNG TỘC NGUYỄN BẶC TOÀN QUỐC

Trong suốt chặng đường xây dựng Cổng Thông Tin Điện Tử. T/M Các Ban thuộc HĐDT NGUYỄN BẶC TQ. Xin cảm ơn các Quý vị là Nội Tộc Tông Thân trong và ngoài nước nói chung đã luôn mạnh dạn cống hiến rất nhiều những đóng góp vật chất, xây dựng ý kiến nhằm: Tôn Vinh Dòng Họ Nguyễn Đại Tông, Chắp Nối Gia Phổ, Trùng Tu Lăng Mộ và Từ Đường..., để cùng nhau tề tựu tại Nhà Thờ Đức Thái Thủy Tổ Định Quốc Công Nguyễn Bặc "Khởi Nguyên Đường" những ngày 14 - 15 tháng 10 Âm Lịch hàng năm để trị ân với Tổ Tiên.
Một lần nữa T/M Các Ban thuộc HĐDT NGUYỄN BẶC TQ xin gửi tất cả những lời chào và chúc tốt đẹp nhất đến các thành viên hiện nay đang sống và làm việc tại: Việt nam, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Úc, Canada, Latvia, Balan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Brazin, Trung Quốc, Hungari, Rumani, Ý, Na uy, Lào, Thụy Sỹ, Thái Lan, Singapore, cambodia,...vv, đã ghé thăm và có những ý kiến đóng góp rất thiết thực trên trang thông tin điện tử "Khoinguyenduong, thongtintocnguyen, honguyenvietnam, nguyenhuutocpha, khoinghiaduong, phahe" trong suốt thời gian qua. Mong các quý vị, các quý thàn viên trong Họ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đóng góp. Xin chân thành cảm ơn!

- Mọi ý kiến đóng góp nhằm xây dựng việc chắp nối Gia Phổ Dòng Tộc Định Quốc Công Nguyễn Bặc xin liên hệ trực tiếp các Thành Viên Thường Trực Hội Đồng Dòng Tộc Nguyễn Bặc TQ - Ban Nghiên Cứu và Thực Hành Gia Phổ:

1. NGUYỄN PHÚC HẬU - PCT HĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TBNC&THGP
ĐC: 303, Nhà H3A, KTT Bộ Công Nghiệp Nhẹ, đường Lê Gia Định, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội - Điện thoại: 0903 215 255

2. NGUYỄN CHƯƠNG THÂU - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: 7/180 phố Thái Hà, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội - 043 8534 334
3. NGUYỄN THÀNH CÔNG - PCT HĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP + TVBKT
ĐC: đội 5, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - 0943 056 922
4. NGUYỄN BẾ THÀNH - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: D12, phòng 402 KTT Quân Đội Nam Đồng, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội - 09032 262 457

5. NGUYỄN HUY HIỆP - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: thôn 9, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - 0934 404 218

6. NGUYỄN NGỌC TUYẾN - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: xóm 14, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định - chưa có

7. NGUYỄN HỮU MẠC, TỨC XUÂN THOẠI - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVBNC&THGP
ĐC: đường 7, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa - 0166 579 8983

8. NGUYỄN HỮU NAM, TỨC BẢO NAM - TVHĐDT NGUYỄN BẶC TQ + TVTTBNC&THGP + BTT&ĐỐI NGOẠI
ĐC: 1A Đồng Khởi, phường 4, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh Tel: 0922 366 268
Xin tiếp nhận ý kiến đóng góp qua Email: khoinguyenduong@gmail.com

BÀI ĐƯỢC QUAN TÂM NHIỀU NHẤT